Với hạ tầng cơ sở, kỹ thuật ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, loại hình du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện (MICE) ở Đắk Lắk đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần nâng cao doanh thu và vị thế cho “ngành công nghiệp không khói” của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đang mở ra, vẫn còn không ít thách thức…
Bức tranh đã sáng rõ
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Tâm Thanh khẳng định: Tuy việc quy hoạch, thu hút đầu tư vào các cụm, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa thật sự có chiều sâu và thiếu đồng bộ, nhưng nhìn chung bức tranh hạ tầng, kỹ thuật phục vụ nhu cầu phát triển các dịch vụ du lịch ở Đắk Lắk, nhất là loại hình du lịch MICE ở TP. Buôn Ma Thuột đã có bước phát triển đáng kể. Toàn tỉnh hiện có 58 khách sạn, 125 nhà khách, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu du khách nội địa và quốc tế; trong đó có 30 khách sạn đã được thẩm định xếp hạng từ 1-5 sao. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ có khả năng đón tiếp 6.000 lượt khách trong cùng một thời điểm và đủ điều kiện để tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, các sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế. Theo đó, số doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch cũng tăng lên nhanh chóng – từ con số 1 đã tăng lên hơn 200 doanh nghiệp, mở rộng hoạt động cũng như quy mô kinh doanh trên các lĩnh vực lưu trú, vận chuyển, mua sắm, lữ hành nội địa và quốc tế.
Hầu hết doanh nghiệp du lịch đều tỏ ra lạc quan khi đề cập tới loại hình tổ chức, kinh doanh du lịch MICE. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng phòng kinh doanh khách sạn DAKRUCO cho rằng, du khách đến đây theo đơn đặt hàng (hội nghị, hội thảo, hoặc một sự kiện nào đó) đã có thay đổi rất nhiều so với trước. Họ không đơn thuần bó hẹp trong những nội dung đã được định sẵn, mà ngày càng có nhu cầu tìm hiểu, khám phá và sử dụng các dịch vụ đi kèm theo giới thiệu, hướng dẫn của doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, nhờ vậy đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm du lịch cho đơn vị cũng như toàn ngành. Ông Tuấn dẫn chứng: ví như khách hàng của DAKRUCO là cựu chiến binh chẳng hạn, đến Đắk Lắk theo tour MICE và có nhu cầu trở lại thăm chiến trường xưa thì sẽ được đáp ứng đầy đủ và trọn vẹn thông qua sự liên kết, hợp tác giữa khách sạn với các công ty lữ hành nội địa trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Tất nhiên không có chuyện trùng lặp sản phẩm, mà mỗi một tour như thế đều do đơn vị lưu trú thiết kế, xây dựng sao cho phù hợp với từng đối tượng nhằm tạo sự khác biệt để thu hút du khách ngày càng nhiều hơn. Còn chuỗi giá trị gia tăng nói trên được tính đến trong mối chia sẻ lợi ích và lợi nhuận đem lại cho đôi bên (cơ sở lưu trú – dịch vụ lữ hành) trong quá trình phục vụ “thượng đế”.
Vẫn thiếu sự kết nối đồng bộ
Tuy nhiên, theo nhìn nhận và đánh giá của Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, để loại hình du lịch MICE thật sự trở thành thế mạnh, trước hết phải tìm phương cách thu hút du khách đến đây và làm thỏa mãn nhu cầu của “thượng đế”. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng như dịch vụ, lữ hành cho rằng trên thực tế họ vẫn chưa thiết lập được mối gắn kết thật sự.
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc là dịch vụ du lịch được du khách đi theo tour MICE rất thích thú. |
Còn nhớ tại Hội thảo “Tìm giải pháp phát triển du lịch Buôn Ma Thuột” được tổ chức hồi tháng 9-2014, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Tổng Giám đốc Viettravel – một trong những đơn vị lữ hành có tầm cỡ ở Việt Nam phản ánh: Nhiều chi nhánh của công ty này từ lâu đã có mối liên kết, hợp tác để đưa du khách từ các nơi đến Buôn Ma Thuột bằng đường bộ thông qua các tuyến Quốc lộ 14, 26, 27 và 29. Những ngày bình thường thì không vấn đề gì, nhưng vào các dịp lễ, Tết hay một sự kiện nào đó được tổ chức tại đây, thu hút sự quan tâm của nhiều người thì lộ rõ những hạn chế trong việc đưa đón du khách do thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị cùng ngành nghề. Chẳng hạn như các kỳ lễ hội cà phê, hội voi được tổ chức trong thời gian qua, du khách từ các nơi
đổ về Buôn Ma Thuột rất đông, khoảng 25.000-28.000 người/dịp thông qua các hãng lữ hành của Viettravel trong cả nước. Những lúc như thế, rất cần sự kết nối và điều phối của các công ty lữ hành đứng chân trên địa bàn nhằm chia sẻ trách nhiệm cũng như lợi ích kinh doanh mang lại. Tiếc là hoạt động này ở Buôn Ma Thuột chưa đáp ứng điều đó, doanh nghiệp du lịch lữ hành vẫn đứng ngoài cuộc, hầu như chỉ quan tâm đến số lượng khách được đón từ đầu kia là bao nhiêu và giá cả thế nào, thành ra Viettravel phải “bắt tay” với các hãng lữ hành nơi khác đảm trách.
Ví như Lễ hội Voi tháng 3-2015 vừa rồi, một chi nhánh của Viettravel ở Nha Trang không thể đáp ứng nổi do lượng khách đến Buôn Ma Thuột quá đông, trong khi đó không được sự chia sẻ của các đơn vị lữ hành ở điểm đến, buộc họ phải thuê đơn vị khác từ Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng hay Gia Lai đưa khách lên. Thực tế này cho thấy, ngoài chuyện các đơn vị lữ hành ở Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung không nâng cao được doanh thu, vì cơ hội được tạo ra mà không chủ động tham gia, thì qua đó khiến nhiều người nghĩ đến hình ảnh, cung cách làm du lịch ở đây còn quá manh mún và thiếu chuyên nghiệp, khiến du khách nản lòng .
Tiếp nữa là khi đến với Buôn Ma Thuột rồi, du khách được thỏa mãn những gì và bằng cách nào? Ông Trương Hoàng Phương, một doanh nghiệp làm du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Hầu hết sản phẩm tại những điểm, khu du lịch ở Đắk Lắk còn đơn điệu, trùng lặp và không tạo sự khác biệt so với nơi khác. Thế mạnh làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt ở đây là vốn văn hóa của người Êđê bản địa, nhưng những tour Homestay giúp du khách tìm hiểu, khám phá cuộc sống của người dân tộc thiểu số tại chỗ hình như thiếu vắng. Theo ông Phương, chỉ có bước chuyển dịch từ “bề rộng sang chiều sâu” của sản phẩm Homestay mới tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho ngành du lịch một cách đáng kể: Đó là thời gian bình quân lưu trú của khách tăng lên, kéo theo các dịch vụ hỗ trợ khác phát triển theo, không những tạo thu nhập cho lực lượng tham gia hoạt động du lịch trực tiếp, mà còn tạo công ăn việc làm cho một bộ phận cư dân trong vùng.
Những hạn chế, bất cập này đang là lực cản đối với loại hình du lịch MICE ở Đắk Lắk phần nào dẫn đến thực trạng khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, dịch vụ băn khoăn: số lượt du khách đến đây tăng chậm, thậm chí còn giảm xuống. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược kinh doanh của mỗi đơn vị đặt ra là không ngừng gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nói riêng và từng loại hình du lịch nói chung trong bối cảnh ngành nghề và thị trường đang có sự phân khúc rõ ràng, nhưng hết sức liên hoàn và đồng bộ như hiện nay – từ ăn nghỉ, đi lại, hưởng thụ… và thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách khi chọn điểm đến nào đó trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Source : Báo Đắk Lắk