“Du lịch chui” – Vấn nạn của ngành Du lịch, Kỳ 3: Tràn lan hướng dẫn viên “chui”…

Bất chấp các quy định của Luật Du lịch, nhiều hướng dẫn viên du lịch “chui” vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh du lịch, không chỉ của một địa phương mà của cả nước…

Nhiều khách du lịch nước ngoài không theo đoàn thường thuê hướng dẫn viên tự do

Có cả nội, ngoại…

Ngày 12/8, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, một nhóm 5 người khách nước ngoài đứng vây quanh, chăm chú lắng nghe một người đàn ông Việt Nam thuyết minh bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong suốt buổi hướng dẫn của mình, người đàn ông này không hề đeo thẻ hành nghề (thẻ hướng dẫn viên – PV).

Tiếp tục đi thêm một số khu trưng bày trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chúng tôi còn phát hiện đôi thanh niên người Việt Nam (một nam, một nữ) đang giới thiệu với một nữ du khách nước ngoài. Thấy cô gái mặc áo có in logo Hội sinh viên Việt Nam, đoán chắc cô đang là sinh viên, tôi tiếp cận để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, khi tôi hỏi tên tuổi, học trường nào… thì cô gái không trả lời mà chỉ nói “bọn em chỉ dẫn bạn đi cho biết thôi chứ không phải là hướng dẫn viên chuyên nghiệp”.

Tại khu vực nhà thờ Đức Bà (Q.1), chúng tôi cũng phát hiện một người đàn ông Hàn Quốc đang chỉ trỏ về phía nhà thờ, bưu điện thành phố nói “thao thao bất tuyệt” với một nhóm khoảng 7 người Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa máy lên ghi hình thì họ lập tức tản ra, mỗi người đi về một hướng.

Các hướng dẫn viên chuyên nghiệp người Việt không lạ lẫm gì những hướng dẫn viên ngoại đang hành nghề ở TP.HCM. “Có rất nhiều hướng dẫn viên ngoại. Nhiều nhất có lẽ là hướng dẫn viên người Hàn Quốc. Nhiều khi ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng có thể nhìn thấy người nước ngoài cầm bảng đón khách”, một hướng dẫn viên người Việt khẳng định.

Những hướng dẫn viên du lịch “chui” này chủ yếu là nhân viên của các công ty du lịch nước ngoài đi theo đoàn khách đến Việt Nam và họ chịu trách nhiệm phụ trách tất cả các dịch vụ phục vụ du khách từ đặt tour, dẫn đoàn, đặt nhà hàng, thuê xe, thuyết minh.

Theo chia sẻ của nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hiện nay có hai kiểu hướng dẫn viên ngoại tồn tại không chỉ riêng tại thành phố mà cả ở Việt Nam, thứ nhất là những người này được các công ty du lịch nước ngoài thuê để dẫn đoàn, bên cạnh có hướng dẫn viên người Việt đi kèm. Thứ hai là những người trước đây làm trưởng đoàn đưa khách từ nước ngoài vào Việt Nam, sau khi quen đường đi nước bước đã ở lại tự tổ chức tour. Đối tượng thứ hai này tổ chức tour khép kín, tự móc nối khách ở bên ngoài, đặt phòng, ăn uống… mà không thông qua công ty.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, các hướng dẫn viên ngoại làm việc không lương và họ thu nhập từ tiền “típ” của khách hoặc hoa hồng từ mua sắm. Do đó, khách rất dễ bị đưa vào những cửa hàng chặt chém và du lịch VN sẽ chịu tiếng xấu vì tất cả những rủi ro mà HDV ngoại mang lại.

Tình trạng không quản lý được các hướng dẫn viên du lịch “chui” này vừa gây thất thu vừa không kiểm soát được chất lượng dịch vụ du lịch cũng như những thông tin về điểm đến, đất nước, con người Việt Nam. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh Việt Nam và dịch vụ du lịch Việt Nam.

Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nhiều hướng dẫn viên không đeo thẻ

Khó xử lý?

Có thể thấy, nhiều đoàn khách sử dụng hướng dẫn viên “chui” luôn biết cách hợp thức hóa bằng cách thuê hướng dẫn viên Việt Nam đi cùng để đối phó khi bị kiểm tra, còn tác nghiệp trực tiếp vẫn là người nước ngoài.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm kiểm soát gắt gao lực lượng này. Một lý do khác là do hiện nay các thị trường du lịch mở rộng nhưng chúng ta lại chưa đáp ứng được đủ nhân lực hướng dẫn viên cho những thị trường này. Những người có nghiệp vụ du lịch được đào tạo bài bản thì lại không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ. Những người có ngoại ngữ thì không được đào tạo về nghiệp vụ du lịch nên theo quy định của Luật Du lịch sẽ không được cấp thẻ hành nghề.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế hiện nay đều gặp khó khăn về hướng dẫn viên theo quy định, phần lớn các doanh nghiệp đều không có hoặc không đủ ba (03) hướng dẫn viên bắt buộc theo quy định.

Ngoài ra, một số hành vi mà doanh nghiệp thường vi phạm, như: hướng dẫn viên hướng dẫn khách mà không có chương trình tour; hướng dẫn viên không có thẻ, thẻ hết hạn hoặc không đeo thẻ; hướng dẫn viên không hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành.

Để xử lý dứt điểm tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui”, và sâu xa hơn là câu chuyện cung cấp đủ hướng dẫn viên cho các thị trường là câu chuyện không đơn giản và không thể làm ngay trong ngày một ngày hai.

Ngoài ra, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, lực lượng thanh tra du lịch mỏng, cộng với những chiêu thức hoạt động tinh vi của các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đang là những rào cản không dễ gì vượt qua với cơ quan chức năng ngành du lịch.

“Qua đợt kiểm tra 6 tháng đầu năm 2015, dù Sở Du lịch mới thành lập nhưng Ban Giám đốc Sở rất chú trọng công tác quản lý Nhà nước về du lịch, đặc biệt là công tác thanh kiểm tra du lịch, xử phạt vi phạm nên đã có chỉ đạo sâu sát giúp cho hoạt động thanh tra đạt hiệu quả cao, tạo tác động tích cực đến môi trường hoạt động du lịch trên địa bàn TP.HCM;   chấn chỉnh kịp thời hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép và hoạt động hướng dẫn viên tại các tuyến điểm tham quan du lịch”, đại diện Thanh tra Sở Du lịch, cho biết.

Theo đại diện Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không có hoặc không đủ ba (03) hướng dẫn viên bắt buộc theo quy định ngoài phạt tiền, doanh nghiệp còn bị phạt bổ sung là tước Giấy phép lữ hành quốc tế từ 6 đến 12 tháng.

Theo Luật Du lịch, người được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế phải hội đủ nhiều điều kiện, trong đó buộc phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam. 

Source : Báo Du lịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *