Không còn voi, Buôn Đôn sẽ ra sao?

“Voi con ơi… Mau lớn nhanh có đôi ngà to. Có sức đi khắp miền rừng xa. Kéo gỗ cho buôn làng của ta…”. Câu hát thiếu nhi luôn vang vọng khắp núi rừng Tây Nguyên (và cả nước) ấy giờ đây đã trở thành niềm mong muốn, sự hoài niệm của biết bao đồng bào dân tộc khi đứng trước nguy cơ Buôn Đôn (Đăk Lăk) không còn voi.

Chật vật gìn giữ đàn voi

Đặt chân đến Buôn Đôn sau nhiều tiếng ngồi xe, tôi hơi bất ngờ vì nơi đây hiện đại hơn nhiều so với trí tưởng tượng của tôi. Không nhiều rừng cây, sông suối, Buôn Đôn mang dáng dấp của một phố thị với đường nhựa, xe to, xe nhỏ và khá nhiều hàng quán.

 Những chú voi tham gia lễ cúng sức khỏe tại lễ hội Voi Buôn Đôn. Ảnh: Duy hậu

Sau một hồi đi loanh quanh tìm kiếm voi giữa những ngôi nhà sàn xen lẫn nhà tường, ngói đỏ, tôi bắt gặp 3 con voi đang làm nhiệm vụ chở khách du lịch. Được biết, cả Buôn Đôn giờ đây chỉ còn 14 con voi và chúng được sắp xếp phục vụ du lịch luân phiên, mỗi “ca trực” 3 con.

So với thời kỳ hoàng kim khi Buôn Đôn có gần trăm con voi thì giờ đây số lượng 14 con rất đáng báo động. Cũng chính vì thiếu hụt voi mà 2 năm 1 lần, cứ đến dịp lễ hội là người dân của vùng đất mang biểu tượng voi này lại phải ráo riết đi mượn voi của các huyện lân cận như Ea Súp, Ea Kar, Krông Ana… Không những thế, số lượng voi còn sống cũng bị đe dọa bởi nhiều mối nguy hại khác nhau như sự thay đổi thời tiết, bệnh tật và tình trạng kiệt sức khi lao động. Hơn nữa, voi chết dần nhưng lại không có voi con nào được sinh ra.

“3 năm trở lại đây, năm nào cũng có voi chết do làm việc quá sức. 3 năm đã chết 3 con dẫn đến số lượng voi ngày một giảm. Hơn nữa, voi chết dần nhưng lại không có voi con nào được sinh ra”.

Bà H’ Phun BKrông – nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Krông Na, (Buôn Đôn) 

 

 

Từ rất lâu, người ta đã không còn được chứng kiến hình ảnh chú voi con ở Buôn Đôn nữa. Voi con duy nhất còn lại chỉ là cái xác ướp của chú voi con trong bài hát năm nào. Đó là chú voi đã để lại ấn tượng sâu đậm với nhạc sĩ Phạm Tuyên trong chuyến đi thực tế của ông tại nơi đây năm 1983.

Xúc động trước hình ảnh chú voi con chưa đầy 1 tuổi được chăm sóc trong vòng tay của người dân Buôn Đôn, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn”. Sau bao nhiêu năm, âm điệu vui tươi của bài hát thiếu nhi ấy vẫn vang vọng giữa đại ngàn Tây Nguyên. Nhưng giờ đây tiếng hát cất lên còn chất chứa cả những nỗi niềm, hoài niệm của người dân về Buôn Đôn xưa, một Buôn Đôn có voi con.

Nếu như với nhạc sĩ Phạm Tuyên “Không có voi to thì viết về voi con”, thì giờ đây không còn voi con, tôi tìm hiểu về voi to. Theo chia sẻ của cô hướng dẫn viên, phần lớn voi còn lại ở Buôn Đôn hiện nay đều ở độ tuổi khá già. Con voi ít nhất đã 30 tuổi trong khi tuổi thọ trung bình của voi chỉ xấp xỉ 42. Tôi bất giác ngồi tính nhẩm rồi chợt vỡ ra câu hỏi: Liệu chừng 10 – 20 năm nữa, Bản Đôn sẽ còn được mấy con voi?

Vì đâu nên nỗi?

Số lượng voi giảm dần do sự tác động của nhiều nguyên nhân và biến đổi về môi trường sống là một trong số đó. Nạn chặt phá, đốt rừng gia tăng khiến cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Một nài voi cho biết: “Ngày trước chỉ cần đi 1- 2km là đến rừng, bây giờ phải đi khoảng 10-15km mới thấy rừng, việc cho voi vào rừng ăn cây cỏ trở nên khó hơn nhiều”. Bên cạnh đó, khí hậu nóng lên cũng gây tác động xấu đến sức khoẻ của voi. Thời tiết hơn 30 độ ở Buôn Đôn lúc này vốn không phải là nhiệt độ thích hợp cho voi sinh sống, do đó voi dễ mắc bệnh hơn và không ít voi đã chết vì những bệnh vặt như cảm cúm, tiêu chảy.

Đồng thời, tình trạng voi chết vì bệnh một phần cũng chịu ảnh hưởng bởi tình cảnh “năm cha ba mẹ” của khu du lịch Buôn Đôn. Không thuộc quyền sở hữu của xã, huyện hay tỉnh, Buôn Đôn được nhiều công ty du lịch thuê từ người dân bản địa rồi “chia năm xẻ bảy” để quản lý. Vì thế mà tình trạng của voi cũng không được theo dõi cẩn thận để kịp nhờ cậy sự giúp đỡ của các cơ quan bảo tồn voi.

Kể từ khi chính quyền phát lệnh cấm săn bắt voi từ năm 2005, số lượng voi ở Buôn Đôn đã giảm không phanh. Những con voi tại Buôn Đôn giờ đây giống như nước đựng trong một cái bình thủng lỗ đậy kín nắp, không thể châm thêm mà cứ vơi cạn dần. Bởi lẽ voi không thể giao phối và sinh nở ở nơi có con người.

Để có voi con, con người cần tạo điều kiện cho voi trưởng thành sống trong môi trường tự nhiên một thời gian dài. Điều đó đồng nghĩa với việc trong từng ấy thời gian, con người sẽ không thể khai thác sức lao động của voi và chấp nhận mất nguồn thu nhập. Chính vì thế mà dù nhà nước có chính sách khen thưởng cho gia đình cá voi sinh được voi con nhưng cũng không một hộ gia đình nào tại Buôn Đôn thực hiện. “Ai cũng muốn voi đẻ nhưng ở đây không ai dám thả voi về rừng lâu đâu. Chưa biết thả rồi nó có quay về không, rồi trong mấy năm voi ở rừng đó lấy gì mà ăn?” – anh Khăm Lý, gia đình sở hữu 2 con voi chia sẻ.

Khi tôi hỏi về tương lai, khi những con voi già rồi mất đi, anh Lý chỉ biết cười và lắc đầu: “Không biết nữa…”. Cái giọng điệu buồn buồn trong câu nói của anh khiến tôi nhận ra sự tuyệt vọng của những con người đang đặt miếng cơm của mình trên lưng những chú voi ngày một già đi.

Cũng có tình cảm đặc biệt với voi, cũng đau đáu nỗi lo về tương lai của Buôn Đôn nhưng khi được hỏi muốn làm gì để thay đổi tình hình, bà H’ Phun Krông Na (xã Krông Na) chỉ biết thở dài. “Muốn chứ, muốn nhiều nhưng đâu có được, tiếng nói của mình nhỏ bé quá nên đâu làm được gì. Sau này, không còn voi, không biết Buôn Đôn sẽ ra sao?”.

Source : Nguồn: Dân Việt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *