Phóng viên CNN, Ron Emmons đã không khỏi ngạc nhiên trước những công trình kiến trúc nhà sàn độc đáo và cầu kỳ của các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, Việt Nam.
Khi nhắc tới những nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Việt Nam, những bộ trang phục rực rỡ của người Hmong hay người Dao Đỏ ở phía Bắc thường gây được sự chú ý. Nhưng nếu một lần được khám phá Tây Nguyên, giáp biên giới Lào và Campuchia, du khách sẽ tìm thấy một tuyệt tác kiến trúc tự nhiên tuyệt đẹp.
Những người dân tộc Ê-đê, Ba Na và Gia Rai chỉ là 3 trong số 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, với số dân khoảng 200.000 đến 300.000 người mỗi nhóm. Quê hương của họ ở các tỉnh Đak Lắk, Gia Lai và Kon Tum, một khu vực từng là nơi hứng nhiều bom đạn trong hai cuộc chiến tranh với quân Pháp và Mỹ.
Dù đã qua thời kỳ chiến tranh và đất nước ngày càng phát triển nhưng những nhóm dân tộc này vẫn trung thành với lối sống truyền thống với các nghi lễ thờ linh vật và các ngôi làng được hình thành theo tổ chức.
Những ngôi nhà rất dài
Người Ê Đê thường xây dựng những ngôi nhà rất dài. Xã hội của người Ê Đê sinh hoạt theo hình thức mẫu hệ, vì vậy, khi người con gái sống trong nhà kết hôn thì một gian nhà khác sẽ được xây nên để làm nơi ở cho vợ chồng họ. Theo phong tục này, sự thịnh vượng của gia đình được biểu thị qua độ dài của ngôi nhà họ sống. Một số gia đình có nhà dài tới hơn 100 m.
Nhà của người Ê Đê được xây trên một những cây cột chống thấp, làm từ gỗ và tre với phần cầu thang đôi được khắc gọt từ các khúc gỗ đặt ngay trước cửa nhà, một bên dành cho phụ nữ và một bên cho đàn ông. Để giúp phân biệt hai bên, phần cầu thang dành cho phụ nữ được trang trí bằng hình ảnh phần ngực của nữ giới.
Trong ngôi nhà dài như vậy, không gian được chia giữa khu vực sinh hoạt chung với từng phòng ngủ riêng biệt. Khu sinh hoạt chung thường là nơi để những người phụ nữ dệt vải còn đàn ông thường làm công việc trang trí hoặc sửa chữa các dụng vụ làm vườn.
Nhà Rông cao lớn, trung tâm của làngNgười Ê Đê sống chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là ở khu vực xung quanh Buôn Ma Thuột. Các du khách muốn tham quan bên trong của những ngôi nhà sàn dài có thể tới buôn Ako Dhong, chỉ cách Buôn Ma Thuột vài cây số về phía Bắc. Những người dân địa phương thân thiện thường mời người lạ vào nhà để chỉ cho họ thấy các cấu trúc ấn tượng của căn nhà và mời du khách mua một vài sản phẩm dệt vải của người Ê Đê như túi xách hay ví.
Ấn tượng không kém nhà dài của người Ê Đê, những ngôi nhà Rông cao lớn của người Ba Na và Gia Rai được xem là biểu tượng của trung tâm Tây Nguyên Việt Nam. Giây phút du khách bước vào một ngôi làng của người Ba Na hay Gia Rai, ngay lập tức đôi mắt sẽ hướng sự chú ý tới nhà Rông, nằm ngay trung tâm của mỗi buôn làng và có thể cao tới 30 m. Nhà Rông càng cao càng chứng tỏ được vị thế của ngôi làng đó.
Cấu trúc hình tháp của nhà Rông được xây dựng trên các cột trụ và cũng có phần cầu thang được đúc từ những khối gỗ lớn. Bên trong của ngôi nhà có những tấm phản bằng tre đủ lớn để chứa toàn bộ dân làng. Phần mái che được dựng với những góc rất khó, là minh chứng cho thấy những người xây dựng nhà Rông phải có một đầu óc rất sắc bén và chuẩn xác. Phần đỉnh của mái nhà được trang trí bằng những vật dụng riêng biệt của từng làng.
Nhà Rông được sử dụng cho cuộc sống tinh thần của ngôi làng. Đây là nơi tổ chức các cuộc họp mặt, giải quyết các vụ tranh cãi, tổ chức các lễ hội và ngày kỷ niệm của người Ba Na, là nơi người dân mặc những bộ trang phục truyền thống, cùng đánh cồng chiêng và nhảy múa.
Một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Ba Na là lễ hội đâm trâu. Giống như người Ba Na, người Gia Rai cũng hy sinh các con trâu của mình trong những dịp quan trọng, một trong số đó là khi làm lễ tang cho những người họ hàng quá cố.
Những ngôi mộ cầu kỳ của người Gia Rai
Hầu hết người Việt Nam đều rất chú trọng đến việc xây dựng các ngôi mộ cho tổ tiên nhưng không một dân tộc nào tỉ mỉ và kỹ lưỡng như người Gia Rai. Đám tang đối với họ được tổ chức với rất nhiều nghi lễ và khá tốn kém.
Hầu hết làng của người Gia Rai đều có phần nghĩa trang đặt ở phía Tây, được chia thành từng hộ gia đình với người trong nhà được chôn cất trong cùng một ngôi mộ. Những đồ vật đáng giá như ti vi hay xe đạp có thể được chôn cùng với người chết và cả những bức tượng gỗ với đủ mọi sắc thái biểu cảm như trầm ngâm, buồn bã, vui mừng… sẽ được đặt xung quanh ngôi mộ.
Sau khi giết trâu để tưởng nhớ người đã mất, người làng sẽ không được đến gần ngôi mộ và phó mặc cho thiên nhiên. Tốt nhất du khách nên đến thăm những ngôi mộ của người Gia Rai khi có người địa phương đi cùng hướng dẫn.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.Nếu như chưa có cơ hội đến tận nơi thăm quan những ngôi mộ độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, du khách cũng có thể ngắm những bản sao thu nhỏ của các công trình nói trên ở Bảo tàng dân tộc học tại thủ đô Hà Nội. Đó cũng là một lựa chọn thay thế hoàn hảo dành cho các du khách nước ngoài.
Source : Nguồn: Infonet