Đây là tinh thần chủ đạo lan tỏa trong các hoạt động, sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 – 09/7/2015).
Các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm được tổ chức với sự có mặt của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển, hàng không, cơ sở đào tạo, các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế cùng đông đảo đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí… cho thấy sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với sự phát triển của Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Một trong những hoạt động chính là Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức ở tầm quốc gia, đã tập trung thảo luận sâu về 3 chuyên đề chính: (1) Nhận thức về phát triển du lịch trong thời kỳ mới; (2) Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch; và (3) Chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh trong du lịch. Đây là 3 vấn đề vĩ mô có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển của du lịch. Bên cạnh đó là Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về việc miễn thị thực cho công dân một số nước và Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Các hội thảo, hội nghị đã đạt được kết quả tốt với những ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, đầy tính xây dựng và tâm huyết và đã đạt được sự đồng thuận cao trên nhiều vấn đề quan trọng.
* Bối cảnh mới mang lại nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức
Sau 30 năm đổi mới, ngành Du lịch nước ta đã đạt được những kết quả to lớn, khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tăng hơn 30 lần, khách du lịch nội địa tăng 35 lần so với năm 1990; tổng thu từ du lịch năm 2014 đạt khoảng 230.000 tỷ đồng (10,7 tỷ USD), tương đương 6% GDP. Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; cộng đồng doanh nghiệp du lịch ngày càng lớn mạnh. Du lịch đã thực sự góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Tuy nhiên, trong vòng 1 năm qua, ngành Du lịch phải đối mặt với những khó khăn lớn đến từ những yếu tố khách quan và nội tại. Liên tục trong nhiều tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu nhìn nhận xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, cạnh tranh khốc liệt và những biến động khó lường hiện nay của tình hình quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức, đòi hỏi Du lịch Việt Nam cần phải thực sự đổi mới để đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức. Bên cạnh đó, bản thân ngành Du lịch còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục.
Tình hình tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhưng hơn bao giờ hết, ngành Du lịch đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ngày 08/12/2014, Chính phủ đã ra Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, liên tiếp trong các phiên họp thường kỳ tháng 3, 4, 5, 6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết trong đó đề cập những nội dung, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 39/NQ-CP và Nghị quyết 46/NQ-CP về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân 6 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Belarus. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Đây là những giải pháp căn cơ nhằm từng bước triển khai các nội dung của Nghị quyết 92/NQ-CP, giúp ngành Du lịch vượt qua những khó khăn, nắm bắt cơ hội để tạo bước đột phá và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
* Cần đổi mới mạnh mẽ nhận thức về phát triển du lịch
Qua trao đổi, các đại biểu thừa nhận nhận thức về phát triển du lịch trong giai đoạn vừa qua còn nhiều hạn chế làm cản trở sự phát triển du lịch. Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ được ban hành đưa giải pháp quan trọng đầu tiên là “Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch”, trong đó yêu cầu “các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch”. Chỉ khi nhận thức đúng và đầy đủ về du lịch và phát triển du lịch thì mới có sự hợp sức liên kết giữa các bên là Nhà nước và khu vực tư nhân, giữa các ngành, các cấp, giữa cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương để phát huy đúng vị trí, vai trò của du lịch và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tham luận của ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, chỉ rõ du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ có giá trị lớn, là ngành kinh tế dịch vụ có tính lan tỏa cao. Ngành Du lịch phát triển sẽ kéo theo hàng loạt sự phát triển của các ngành kinh tế khác như giao thông vận tải, thương mại, kinh doanh ăn uống, bưu chính viễn thông, bảo tồn di sản, thủ công truyền thống, tăng tổng cầu cho địa phương, quốc gia là điểm đến của khách du lịch. Đồng thời, hình ảnh đất nước, con người và các giá trị văn hóa của dân tộc được quảng bá ra nước ngoài, vị thế quốc gia được nâng cao, tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội… Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí động lực của ngành Du lịch trong hệ thống ngành kinh tế quốc dân đối với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tạo sự đồng thuận xã hội về phát triển kinh tế du lịch trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong quá khứ ngành Du lịch Việt Nam đã từng được nhận diện đúng đắn là “ngành mũi nhọn”, nhưng đã không phát triển được như mong đợi, chưa thay đổi được đẳng cấp phát triển. Trong giai đoạn mới, để ngành Du lịch đáp ứng các yêu cầu phát triển hiện đại, cần phải có cách tiếp cận mới căn bản, thay đổi quan niệm về ngành Du lịch, về lợi thế và các điều kiện phát triển, về phương thức phát triển. Ông Thiên cho rằng cần phải quan niệm lại về chức năng, sứ mệnh và điều kiện thực hiện của một ngành mũi nhọn trong cấu trúc kinh tế một cách thực tiễn, có định hướng hành động tầm chiến lược quốc gia chứ không phải chỉ thỏa mãn về mặt ngôn từ. Cần định hướng chiến lược xây dựng một ngành Du lịch đẳng cấp cao vượt trội, hướng tới chất lượng khách thay vì số lượng, trong đó hai yếu tố “sự khác biệt” và “mức độ thỏa mãn khách” là thước đo quan trọng.
Đồng quan điểm này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam cho rằng Việt Nam đi sau các nước về du lịch quốc tế nên hầu như khó có thể đuổi theo về số lượng khách quốc tế đến, mà nên hướng tới du lịch chuyên đề, khai các các thị trường ngách cao cấp. Trên thế giới, du lịch cao cấp chỉ chiếm 3% số du khách nhưng lại tạo ra 20% doanh thu du lịch.
Các đại biểu đạt được sự đồng thuận cao về việc cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch, về nội hàm kinh tế, văn hóa của du lịch, về tính chất tổng hợp, liên kết trong hoạt động du lịch. Đây là yếu tố quyết định cho quyết tâm chính trị, đề ra các quyết sách và hành động để phát triển du lịch thời kỳ mới.
Thực tế cho thấy, tại một số địa phương như Đà Nẵng, Hội An… khi có sự quan tâm sâu sắc, thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp thì du lịch có điều kiện thuận lợi để phát triển một cách bền vững. Cùng với đó, hình ảnh, thương hiệu của địa phương ngày càng được nâng cao không chỉ trong nước mà có sức lan tỏa ra quốc tế. Hay một ví dụ điển hình trong thời gian gần đây là Sầm Sơn – Thanh Hóa, tình trạng ép giá khách vốn bị phàn nàn bấy lâu nay đã được xử lý nghiêm. Gần đây nhất theo báo chí phản ánh là trường hợp một nhà hàng ở Sầm Sơn đã bị phạt tới 20 triệu đồng vì đã ghi khống cho khách 2 tô cơm để lấy thêm 60 nghìn đồng. Chế tài mạnh này thực sự có tính răn đe cao đối với những cơ sở có ý định làm ăn không nghiêm túc. Hình ảnh của địa phương được cải thiện rõ rệt từ chỗ một điểm đến bị e dè sang một hình ảnh năng động, thân thiện và trật tự hơn. Kết quả này có được trước hết đến từ chuyển biến trong nhận thức, quyết tâm thực sự của lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương.
* Cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy, hệ thống cơ chế, chính sách phát triển du lịch đòi hỏi sự đồng bộ và kết dính, đó là giữa ngành Du lịch với các bộ, ngành liên quan, giữa cơ quan quản lý ở Trung ương và cơ quan quản lý ở địa phương, giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa địa phương và địa phương, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, giữa cộng đồng và doanh nghiệp…
Trong thời gian vừa qua, ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước. Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết năm 2015, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương là nghiên cứu định hướng chiến lược phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho du lịch, tạo bước chuyển biến mới. Trong đó, Nghị quyết 92/NQ-CP là định hướng tổng quát tập trung giải quyết 5 vấn đề trọng tâm: (1) Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; (2) Tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch; (3) Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách; (4) Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; (5) Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
Trong lộ trình tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-CP và 46/NQ-CP miễn thị thực có thời hạn từ ngày 1/7/2015 trong thời gian 5 năm đối với công dân Belarus, trong thời gian 1 năm đối với công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Để triển khai các Nghị quyết trên, Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch hành động tăng cường quảng bá xúc tiến nhằm thu hút khách du lịch từ 6 thị trường trên đến Việt Nam. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã đưa ra Chương trình kích cầu du lịch cho các thị trường này.
Các đại biểu cho rằng việc miễn thị thực có thời hạn không quá 15 ngày, áp dụng trong thời gian 01 năm đối với 5 nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha là khá ngắn. Chính sách ban hành thường có độ trễ nhất định để phát huy hiệu quả thực sự. Trong khi đó, khách du lịch châu Âu thường có xu hướng đặt kế hoạch du lịch đường xa trước hàng tháng. Do vậy, hiệu quả của chính sách miễn thị thực có thể sẽ chỉ phát huy hiệu quả ban đầu từ khoảng Quý 4 năm 2015 và phát huy hiệu quả thực sự trong năm sau. Mặt khác, thời gian miễn thị thực ngắn nên các doanh nghiệp gửi khách quốc tế còn ngần ngại trong việc lập kế hoạch dài hạn gửi khách đến Việt Nam. Dù vậy, các bên cũng nhất trí rằng đây là cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh thu hút khách từ châu Âu vào Việt Nam. Trong thời gian tới, cần thật khẩn trương triển khai các hoạt động cụ thể để quảng bá rộng rãi thông tin về chính sách miễn thị thực của ta qua nhiều kênh khác nhau, triển khai chương trình kích cầu du lịch thu hút khách, và các hoạt động xúc tiến thị trường, thu hút khách.
Về mặt quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Chỉ thị đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của du lịch là “nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là người đứng đầu chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch, cạnh tranh không lành mạnh; vai trò của các hiệp hội du lịch chưa được phát huy”.
Thủ tướng chỉ thị “Đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng và UBND các cấp trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước”. Trọng tâm của Chỉ thị là đề cao trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các giải pháp xử lý các vấn đề nóng: Tăng cường quản lý giá cả; Bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; Bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho đi lại và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của du lịch, đổi mới công tác xúc tiến, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…
Ngay ngày 03/7/2015, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặt ra yêu cầu các nhiệm vụ triển khai phải cụ thể, toàn diện, đảm bảo kịp thời và có hiệu quả thiết thực. Kế hoạch đưa ra 18 nhiệm vụ cụ thể, gắn liền với trách nhiệm thực thi của các cơ quan liên quan và thời gian thực hiện.
Một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là mối quan hệ hợp tác Công – Tư nhằm phát huy vai trò định hướng chiến lược và hỗ trợ phát triển của Nhà nước và vai trò chủ động, tích cực, năng động sáng tạo của khu vực tư nhân.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hệ thống doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp du lịch Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, năng lực có hạn, nhân lực thiếu chuyên nghiệp, liên kết còn lỏng lẻo, chưa tạo được sức mạnh chung để cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ du lịch theo lộ trình đã cam kết. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh du lịch chưa thực sự thuận lợi, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, thuế đất tăng làm giá dịch vụ du lịch trong nước tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh, có doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đang nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách nhằm giảm thuế sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích cho không gian cảnh quan; điều chỉnh giá điện, nước thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch; nới lỏng quy định về nhập khẩu các trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dụng phục vụ du lịch cao cấp…
Một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mô hình hợp tác Công – Tư, tạo nguồn lực cho phát triển du lịch sẽ được triển khai trong thời gian tới là hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thảo luận và nhất trí với một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch do Bộ VHTTDL đề xuất, trong đó có chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tại Chỉ thị 14/CT-TTg ban hành vừa qua,Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ VHTTDL khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Quỹ. Dự kiến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có quy mô từ 2.000 – 2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập, được bổ sung nguồn hàng năm nhằm duy trì hoạt động liên tục và đảm bảo nguồn chi, trong đó 30% là từ nguồn ngân sách nhà nước, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và 1 số khoản thu từ du lịch. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được sử dụng cho các hoạt động: Quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển mở rộng thị trường, hoạt động văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; ứng phó giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch do nguyên nhân khách quan (thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh); bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh an toàn cho du khách tại các điểm khu du lịch quốc gia; tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tăng cường hoạt động du lịch tại các khu dân cư; hoạt động của bộ máy quản lý quỹ.
* Tập trung nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của du lịch
Các đại biểu đã chia sẻ cách nhìn nhận tình hình khó khăn hiện nay cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nhìn lại về định hướng đầu tư xây dựng sản phẩm, thương hiệu, tính chuyên nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh. Trong đó, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách là yếu tố then chốt.
Các đại biểu đồng thuận rằng trong thời gian tới cần tập trung xây dựng sản phẩm theo hướng “Khác biệt” và “Đẳng cấp”. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau. Trong bối cảnh cạnh tranh ở khu vực ngày càng gay gắt, các điểm đến đang đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách quốc tế đến, chúng ta cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn những nét khác biệt để xây dựng sản phẩm của riêng mình. Cạnh tranh du lịch phải là cạnh tranh ở cấp quốc gia. Du lịch Việt Nam cần có những nét độc đáo, riêng biệt so với các nước khác, đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần có những sản phẩm riêng, không trùng lặp. Về điểm này, nhiều đại biểu nhấn mạnh các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần phát huy sự sáng tạo, năng động của mình, xây dựng sản phẩm có bản sắc riêng, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cần quyết liệt khắc phục tình trạng kinh doanh du lịch bát nháo, nhái thương hiệu, sao chép sản phẩm du lịch của nhau; hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế để thu hút đối tượng khách có chi tiêu cao. Để làm được điều này, một trong những yếu tố quan trọng nhất là cần triển khai gấp các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nhân lực du lịch ở các địa phương, ban quản lý điểm đến, doanh nghiệp phục vụ du lịch.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Lương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã chia sẻ những giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh. Theo đó, Mường Thanh đã triển khai 5 nhóm giải pháp về: Phát triển đội ngũ giảng viên nội bộ; Xây dựng Bộ tiêu chuẩn nghề nội bộ; Phát triển đội ngũ giám sát viên nội bộ/khách hàng bí mật; Phát động phong trào “Học, học nữa, học mãi”; Phát động phong trào “Ngôi sao Mường Thanh” và “Sáng kiến Mường Thanh”. Trong những năm qua, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Đến nay, Tập đoàn đã sở hữu gần 50 khách sạn với chất lượng từ 3 sao trở lên, trở thành tập đoàn tư nhân có hệ thống khách sạn lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, để tăng cường thu hút khách, chi tiêu của khách, nâng cao năng lực cạnh tranh, các đại biểu cũng cho rằng cần phát triển mạnh thị trường sản phẩm hàng hóa phục vụ mua sắm du lịch. Hiện nay còn quá ít các sản phẩm, hàng hóa phù hợp, có bản sắc riêng để khách du lịch bỏ tiền ra mua. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của hàng hóa từ bên ngoài với giá cả rẻ hơn. Do vậy, bên cạnh sự chủ động, sáng tạo xây dựng sản phẩm của các doanh nghiệp, các đại biểu cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm, hàng hóa phục vụ khách du lịch.
Trong những năm gần đây đã xuất hiện một số nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch, góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, phần lớn doanh nghiệp du lịch Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tính liên kết còn lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp ít có sự đổi mới cấu trúc kinh doanh, chưa theo kịp với xu hướng hiện đại, nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn thấp. Vì vậy, cần thiết tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp, trong đó vai trò của các hiệp hội du lịch cần được phát huy hơn nữa.
Tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Ngành Du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ ra “các hiệp hội cần thực sự là đại diện cho lợi ích của các thành viên; làm nòng cốt trong các hoạt động từ quảng bá, xúc tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ năng thực hành, là cơ quan đề xuất chính sách với Nhà nước”. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh “đừng đề xuất chủ trương chung chung mà phải là các kiến nghị cụ thể, có luận cứ khoa học, pháp lý. Cần thực sự là những tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, sôi động và có sức ảnh hưởng lan tỏa. Cộng đồng các doanh nghiệp cần chung tiếng nói, chung giải pháp để những sáng kiến, cách làm hay được cổ vũ, phát huy; những mô hình kinh doanh bền vững, vì cộng đồng cần được ủng hộ, nhân rộng. Không để đất, để chỗ cho những doanh nghiệp vì lợi ích riêng, lợi ích nhỏ trước mắt mà tổn hại tới lợi ích chung, lợi ích lâu dài. Từng doanh nhân có thể giàu có, thành đạt nhưng sự thành đạt chỉ thực sự ý nghĩa nếu là doanh nhân của một đất nước văn minh, giàu mạnh”.
Ngành Du lịch Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, Ngành đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và xã hội. Đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, giới khoa học tham dự hội nghị, hội thảo nhân dịp này đã đạt được sự đồng thuận cao về quyết tâm tạo chuyển biến cho du lịch trong thời kỳ mới trên cơ sở đã nhận diện rõ ràng những hạn chế, yếu kém, cơ hội và thách thức đối với Ngành. Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách và rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi quyết tâm và nghị lực lớn, hy vọng rằng với sự đồng thuận cao hướng tới đổi mới mạnh mẽ về tư duy và thể hiện bằng những hành động cụ thể, chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội, khai thác tốt tiềm năng để đưa ngành Du lịch vượt qua khó khăn, tạo bước đột phá mới, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như mục tiêu đã đề ra.
Theo Tổng Cục Du Lịch
Source : [Sưu tầm]