Thông tin trên được đưa ra trong buổi tọa đàm phối hợp các nhà tài trợ cho ngành Du lịch Việt Nam ngày 28/1 tại Hà Nội, với sự hiện diện của đại diện mười nhà tài trợ quốc tế. Đây là hoạt động do Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (Dự án EU-ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ) khởi xướng với vai trò là hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giúp Tổng cục Du lịch.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với sự hợp tác liên tục và mạnh mẽ của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực và các nhà tài trợ đã hỗ trợ giúp ngành Du lịch phát triển và hội nhập.
“Sự hỗ trợ quý báu này đã góp phần giúp ngành Du lịch Việt Nam thực hiện thành công Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2001 – 2010 và hiện nay là Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030”, ông Tuấn khẳng định.
Là nhà tài trợ lớn nhất cho ngành Du lịch Việt Nam, Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục là đối tác mạnh mẽ với hơn 12 năm liên tục hỗ trợ tích cực giúp Du lịch Việt Nam xác định được vị trí của mình trên bản đồ du lịch thế giới.
“Trong khoảng thời gian này, Liên minh châu Âu đã tài trợ hơn 20 triệu Euro cho hoạt động đào tạo du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường năng lực, đồng thời củng cố vững chắc nền tảng cho ngành Du lịch Việt Nam vì sự tăng trưởng toàn diện và có trách nhiệm với môi trường và xã hội”, ông Tom Corrie, Phó ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ.
Ngoài Dự án EU-ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ, hiện có nhiều cơ quan tổ chức khác cũng đang hỗ trợ các sáng kiến liên quan tới phát triển du lịch tại Việt Nam, trong đó một vài Dự án đã được triển khai trong nhiều năm. Các Dự án này bao gồm Dự án “Hỗ trợ cho chương trình “Sáng kiến đối với việc hội nhập ASEAN” (IAI)” do cơ quan Hợp tác Đức tài trợ; Hỗ trợ của UNESCO đối với sự phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế; “Liên minh vịnh Hạ Long” – Sáng kiến bảo tồn và gìn giữ vịnh Hạ Long của Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (đối tác triển khai của USAID); ngoài ra còn có một số Dự án khác do Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới WWF; Tổ chức Lux-Development, Ban hợp tác Quốc tế – Đại sứ quán Italia và Văn phòng hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam.
Buổi tọa đàm là cơ hội để xây dựng hoạt động điều phối liên tục và hiệu quả giữa các tổ chức và cơ quan đang hỗ trợ cho Du lịch Việt Nam. Thông qua các bài trình bày và phiên thảo luận, các đại biểu đã xác định những ưu tiên của ngành, xác định vai trò và trách nhiệm của từng bên liên quan và thống nhất về các cơ chế hợp tác để tránh bị trùng lặp các hoạt động và lãng phí nguồn lực, từ đó đảm bảo đạt được các mục tiêu chung theo hướng bền vững.
Sáng kiến tổ chức tọa đàm giữa các nhà tài trợ của Dự án EU-ESRT sẽ đặt nền tảng cho việc hình thành Diễn đàn Du lịch do Tổng cục Du lịch chủ trì, thu hút thêm nhiều thành phần tham gia để có thêm nhiều tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật quốc tế đối với ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Source : Nguồn: Báo Du lịch Việt Nam