Nghĩ từ Hội voi Buôn Đôn

Các hoạt động diễn ra liên quan đến voi tại các kỳ Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của mọi người, bởi đó là một trong những nội dung trọng tâm nhất, được du khách mọi nơi háo hức chờ đợi. Đến nỗi, giới truyền thông và những ai quan tâm đến lễ hội trên đều gọi đó là Hội voi Buôn Đôn – tên gọi ấy mặc nhiên định dạng vốn “Văn hóa Voi” cho vùng đất huyền thoại này và nó có sức lôi cuốn lạ kỳ!

Vậy tại sao vốn văn hóa ấy không được tận dụng và phát huy để làm du lịch? Ông Nguyễn Như Bút, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội trả lời: “Có đấy, nhưng không bài bản và thường xuyên lắm, thành ra du khách ít có cơ hội thưởng lãm, khám phá vốn Văn hóa Voi ở đây”. Đúng như vậy, hầu hết du khách đến đây đều quan tâm đến hoạt động có liên quan đến voi: Lễ cúng sức khỏe voi; Voi vượt sông Sêrêpôk, voi đá bóng, chạy đua… Trong thời gian diễn ra lễ hội (từ ngày 12 đến 14-3-2016), Hội voi Buôn Đôn lúc nào thu hút nhiều người đến xem. Anh Hồ Quang Luân, du khách đến từ Nghệ An thừa nhận những hoạt động liên quan đến voi đã mang lại cảm xúc đặc biệt. Còn ông Lưu Hà Giang, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở TP. Đà Nẵng tâm tình, đã không ít lần lên Đắk Lắk cưỡi voi dạo hồ Lắk, thăm thú rừng Yok Đôn… nhưng voi trong lễ hội Buôn Đôn có sức lôi cuốn hơn cả. Voi xuất hiện ở đây như nhân vật trung tâm trong đời sống sinh hoạt của người dân tộc bản địa. Và cả hai vị khách tỏ ra băn khoăn rằng, tại sao ngành văn hóa – du lịch không phối hợp để tạo ra sản phẩm du lịch không nơi nào có được như vậy?

Già Ay Be cúng sức khỏe cho voi tại Lễ hội.

Hiện nay, voi ở Buôn Đôn, Lắk chủ yếu được các đơn vị làm du lịch hợp đồng với chủ voi để sử dụng vào việc đưa đón du khách thăm thú, thưởng ngoạn cảnh sắc trong vùng. Tuy nhiên, trước thực trạng môi trường suy giảm (rừng bị thu hẹp, sông suối khô kiệt) và đặc biệt là số lượng đàn voi nhà không còn nhiều đã khiến sản phẩm du lịch này trở nên bấp bênh. Ông Y Si Thăk K’sor – Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho rằng, nên khai thác đàn voi nhà hiện có theo hướng khác, chẳng hạn tổ chức những buổi lễ liên quan đến đời sống văn hóa giữa voi và cộng đồng dân tộc tại chỗ để thu hút mọi người, thay vì chỉ đưa voi làm phương tiện chuyên chở du khách tham quan như hiện nay. Bởi thực tế qua lễ hội vừa rồi cho thấy các lễ cúng voi bao giờ cũng thu hút đông đảo người xem nhờ bản sắc văn hóa độc đáo và đặc sắc chứa đựng trong đó. Có thể nói, thông qua những hoạt động có liên quan đến voi đã giúp mọi người, nhất là du khách phương xa hiểu được con người và vùng đất nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi có hơn trăm năm nay. Theo ông Y Si Thăk, đã đến lúc chính quyền cũng như các doanh nghiệp làm du lịch ở đây phải có cái nhìn về vốn tài nguyên văn hóa – du lịch (là voi) khác trước, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh cùng ngành nghề kinh doanh. Trước hết cần tôn vinh, khai thác có hiệu quả các giá trị “Văn hóa Voi”, cũng như thay đổi cách ứng xử với voi trong hoạt động du lịch để vừa tạo ra sản phẩm khác biệt và bền vững, vừa góp phần bảo vệ đàn voi nhà hiện còn trên địa bàn Buôn Đôn nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Theo đó, chính quyền địa phương cũng cần đưa ra giải pháp, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn hướng đến mục tiêu trên nhằm cải thiện hình ảnh ngành du lịch của tỉnh trong tương lai.

Tuy nhiên, cho đến nay một “kịch bản” được cho là hoàn hảo và khả thi để hiện thực hóa điều đó vẫn chưa được hình thành là do mối liên kết, hợp tác giữa các bên (doanh nghiệp – Nhà nước – người dân) vẫn còn lỏng lẻo và chưa tìm được tiếng nói đồng thuận cao. Suy cho cùng, muốn tạo ra sản phẩm du lịch về “Văn hóa Voi” có chiều sâu và bền vững thì nhất thiết và hơn ai hết chủ nhân của vốn văn hóa đó phải được mời tham gia với sự quan tâm, đầu tư đúng mức từ phía doanh nghiệp cũng như các ban, ngành liên quan. Nói như ông Y Ka Byă – một trong những người am hiều về voi sâu sắc ở xã Krông Na, Buôn Đôn rằng: cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây, trực tiếp là các chủ voi – phải được mời tham gia với tư cách là “đạo diễn” thật sự mới mong tạo ra các sản phẩm du lịch có liên quan đến “Văn hóa Voi”. Tiếc là vì một lý do nào đó, điều này không được cộng đồng làm du lịch trên địa bàn nhận thức và ứng xử công tâm, hài hòa… cho nên tiềm năng văn hóa sâu dày từ đời sống săn bắt, thuần dưỡng voi cũng như các hoạt động liên quan khác đến đàn voi nhà chưa được phát huy để trở thành sản phẩm du lịch nổi bật, đặc sắc và bền vững.

Source : Nguồn: Báo Đắk Lắk

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *