LTS: Những ngày này, thầy trò Khoa Du lịch học – Trường ĐH Khoa học, Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa. Báo Du lịch xin trích đăng vài viết của PGS.TS Trần Đức Thanh, nguyên Chủ nhiệm Khoa Du lịch học về những kỷ niệm ngày đầu thành lập Khoa.
Hội thảo Đào tạo Cao học Du lịch – ảnh tư liệu
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Du lịch Việt Nam mới ra đời, hoạt động du lịch đã thu hút sự chú ý của nhiều ngành, nhiều cá nhân. Nhu cầu đào tạo du lịch xuất hiện như một thực tế khách quan. Nhưng khi ấy, chưa có trường đại học nào ở Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng, có chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia trong đó có thầy Hoàng Thiếu Sơn, nhà địa lý hàng đầu của Việt Nam, được sự động viên của Ban Giám hiệu Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, đặc biệt là thầy Trần Văn Nhung, tôi đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Địa lý Du lịch hệ mở rộng. Chỉ trong hơn 1 tháng, từ 28/8/1992 đến 5/10/1992, chương trình đã hoàn thành. Lớp đầu tiên khai giảng, ngày 13/10/1992, có tất cả 161 sinh viên theo học.
Khi được biết trường ĐH Tổng hợp mở ngành Du lịch, các thầy cô trường Du lịch Việt Nam (tức Trường Nghiệp vụ Khách sạn, tiền thân Trường CĐ Du lịch Hà Nội) rất nhiệt tình giúp đỡ và ủng hộ. Thầy Mai Khôi tặng các giáo trình về khách sạn, nhà hàng, cô Khánh, cô Vui sẵn sàng từ chối các hợp đồng lớn để đến dạy cho sinh viên các môn nghiệp vụ khách sạn. Thầy Hoàng Thiếu Sơn luôn ưu ái dành rất nhiều thời gian góp ý cho việc định hướng, tổ chức đào tạo, trực tiếp đứng lớp giảng dạy và cùng đi thực tế với sinh viên.Thầy đã trở thành linh hồn, là niềm tự hào cho tất cả sinh viên lớp Địa lý du lịch đầu tiên.Anh Phạm Hồng Chương vừa du học Anh Quốc về cũng đảm nhận ngay một số môn dạy. Thầy Chúc – Giám đốc trường C500, anh Hà Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Sofitel Metropole Hà Nội, anh Đỗ Đình Cương – Giám đốc Vinatour, anh Nguyễn Cường Hiền, anh Trần Văn Mậu ở Vietnamtourism Hà Nội… là cố vấn, giảng viên thỉnh giảng thường xuyên của trường. Cuốn “Hướng dẫn du lịch”, “101 tình huống đối với hướng dẫn viên du lịch” của anh Nguyễn Cường Hiền được nhiều thế hệ sinh viên đầu tiên truyền tay nhau. Anh Trần Văn Mậu đã danh nhiều thời gian biên soạn một số sách như “Tổ chức phục vụ các dịch vụ du lịch”, “Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch”…
TS Lê Nhật Thức, PGS-TS Vũ Tuấn Cảnh, những vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch rất nhiệt tình ủng hộ việc mở đào tạo du lịch ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp ở Viện như anh Phạm Trung Lương, anh Trương Sỹ Vinh, anh Lê Văn Minh, anh Nguyễn Văn Thanh, chị Bích San, một trong những người tham gia viết các sách về du lịch đầu tiên như “Năm Du lịch Việt Nam 1990”, “Cẩm nang hướng dẫn du lịch Việt Nam”…
Với việc điều hành đào tạo ngành Du lịch, tôi đã được quen biết nhiều thầy cô các khoa Lịch sử, Văn học… Phông kiến thức rộng, sự uyên thâm cũng như nhiệt huyết đã làm cho các buổi giảng “Các nền văn minh thế giới” của thầy Nguyễn Ánh, môn Hán Nôm của thầy Lê Anh Tuấn, tôn giáo học của thầy Phạm Quang Hưng… trở nên hấp dẫn với tất cả sinh viên. Những tiết học văn học dân gian của thầy Nguyễn Hùng Vĩ luôn vui vẻ vì sinh viên được hát những bài dân ca trữ tình và được thưởng thức những bài thơ rất hóm hỉnh của thầy. Thầy Hán Văn Khẩn chỉ dẫn rất tận tình những giá trị của các di chỉ khảo cổ để sinh viên có thể thuyết minh cho khách một cách hấp dẫn nhất.
Năm học 1993-1994, nhà trường đã quyết định thành lập Ban điều hành Đào tạo ngành Du lịch do GS Trần Quốc Vượng làm Trưởng ban, PGS-TS Nguyễn Vi Dân làm Phó Trưởng ban và tôi làm thư ký thường trực. Sau khi xem xét hồ sơ chương trình đào tạo và đề nghị của Trường, Bộ Giáo dục Đào tạo đã cho phép Trường tuyển sinh ngành du lịch học hệ chính quy không tập trung từ năm 1993-1994. Tháng 10/1995, Khoa Du lịch học đã chính thức được thành lập. Kể từ đây, việc đào tạo sinh viên ngành Du lịch học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã bước sang một trang mới.
Lúc đầu khoa chỉ có 4 giảng viên cơ hữu từ các ngành Địa lý, Lịch sử, Văn học… Tuy nhiên, sau thời gian bỡ ngỡ, tất cả các thành viên đã định hướng chuyên ngành cũ của mình sang du lịch…
…Thầy Trần Quốc Vượng khai phá hướng văn hóa du lịch, thầy Đinh Trung Kiên, với phông lịch sử khá rộng và sự nhanh nhẹn của mình đã trở thành người đi đầu mảng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Tôi chuyên sâu vào địa lý du lịch, bản đồ du lịch, rồi du lịch sinh thái. Khoa nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều chuyên gia như TS Nguyễn Văn Lưu, TS Trịnh Xuân Dũng, PGS-TS Nguyễn Văn Đính… cũng như một số thầy cô dạy chuyên ngành du lịch ở các trường bạn, như PGS-TS Nguyễn Minh Tuệ, PGS-TS Trần Hậu Thự, một người thầy, một cây đại thụ trong hàng ngũ giảng viên về du lịch ở Việt Nam.
Sự thành công của những khóa đầu tiên là niềm tự hào và cổ vũ lớn đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên trong khoa. Đồng nghiệp trong khoa đã tăng lên nhanh chóng, nhiều người là giảng viên từ các cơ sở đào tạo khác như thầy Thuyết, thầy Quế, thầy Hùng, thày Hà, cô Yến, thầy Sử; một số là sinh viên tốt nghiệp từ trường khác như thày Tô Long, thầy Vinh, thầy Ngọc Anh; nhiều sinh viên ưu tú của khoa đã được giữ lại làm giảng viên như Đỗ Long, Lê Anh, Thu Thủy, Hồng Long, Trần Hoa… Đến nay, biên chế chính thức của khoa đã có 19 người, tất cả có trình độ trên đại học.Hầu hết thạc sỹ đang là nghiên cứu sinh. Tôi thấy thật tự hào vì khoa có đội ngũ cán bộ hùng hậu như vậy.
Hiện nay, ngoài 2 chương trình đào tạo chính quy bậc đại học là quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và quản trị khách sạn, khoa còn đảm nhận các lớp bằng kép, các lớp nghiệp vụ, các lớp ngắn hạn… Đặc biệt, khoa tự hào là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo thạc sĩ du lịch từ năm 2003.Theo kế hoạch, năm 2016 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ bắt đầu chiêu sinh đào tạo tiến sĩ du lịch.
Sau 25 năm kể từ ngày chập chững bước chân vào ngành Du lịch, tôi tự hào vì đã có một quyết định rất đúng đắn. Tôi vui mừng và tự hào về những sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, vui mừng và tự hào về những bước phát triển của Khoa Du lịch học, của các đồng nghiệp, về những bước trưởng thành của tất cả sinh viên, học viên cao học tốt nghiệp từ Khoa Du lịch học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.n
Source : Báo Du lịch