Đó là chủ đề hội thảo quốc gia về du lịch do Bộ VHTTDL phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 7/7/2015 hướng đến kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HHDL Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của hội thảo trong thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới với những bối cảnh, xu hướng mới và đặc biệt toàn ngành đang sôi nổi tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2015). Hội thảo như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nhằm hưởng ứng trong tiến trình hội nhập doanh nghiệp du lịch ASEAN.
Hội thảo Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới
Bộ trưởng ghi nhận những kết quả tăng trưởng của du lịch Việt Nam có được trong những năm qua từ khi đất nước đổi mới từ những năm 90 của thế kỷ trước là nhờ nhận thức về du lịch của xã hội không ngừng được cải thiện; đồng thời nhấn mạnh: “Kế thứ những thành tựu đạt được, phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế yếu kém, thích ứng trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hiện nay, đòi hỏi tất cả chúng ta cần phải chuẩn bị tốt mọi tâm thế về nhận thức, năng lực để quản trị quá trình phát triển du lịch đạt tới sự sáng tạo, bền vững trong thời kỳ mới”. Bộ trưởng cũng đề nghị các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp tích cực thảo luận tại hội thảo, đi đến thống nhất những giải pháp hành động; coi đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị tham gia vào sự nghiệp phát triển du lịch nước nhà.
Tại hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng đề nghị các đại biểu thảo luận, chỉ rõ tiềm năng lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức của du lịch Việt Nam trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác và trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu sắc hiện nay. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng hội thảo cần đề xuất các kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Hội thảo đã tập trung bàn về những nội dung, biện pháp, bước đi then chốt, thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể đặt ra trong Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận theo các chuyên đề cụ thể. Về nhận thức về phát triển du lịch thảo luận, liên quan nội dung hành động, phân công trách nhiệm phù hợp, đề cao trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trong việc giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch. Về cơ chế chính sách phát triển du lịch: bàn về biện pháp hành động khi Chính phủ miễn visa đơn phương cho một số thị trường, lộ trình sửa đổi Luật Du lịch, triển khai các hoạt động khi có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm hạn chế yếu kém và nâng cao hiệu quả cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chất lượng, tính chuyên nghiệp, sức cạnh tranh: bàn về lực ứng phó của du lịch Việt Nam trước những biến động khó lường về chính trị, an ninh, kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…
Source : [Sưu tầm]