Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Cùng với việc ổn định an ninh chính trị, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới với bao bộn bề công việc của vùng mới giải phóng. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công”, ngay từ những ngày đầu tiên ấy, công tác Thể dục thể thao (TDTT) cũng đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, xây dựng với phương châm “khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, cơ sở vật chất được tiếp quản còn nghèo nàn gồm 1 sân bóng đá, 1 sân quần vợt và 1 sân bóng rổ đơn giản.
Sau 3 tháng giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), Tổng cục TDTT đã điều động tăng cường cho Đắk Lắk 2 cán bộ nhằm xây dựng phong trào TDTT. Nội dụng hoạt động trong thời gian này tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán cơ sở, phát động phong trào tập thể dục buổi sáng ở các công trường thanh niên, tổ chức thi đấu bóng đá giữa các địa phương đơn vị với nhau. Năm 1976 UBND tỉnh đã quyết định thành lập Phòng TDTT thuộc Văn phòng UBND tỉnh để tham mưu và chỉ đạo phong trào TDTT. Năm 1979 UBND tỉnh thành lập Ty TDTT. Tháng 3 năm 2008 đến nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhìn lại chặng đường 40 năm qua nhất là thời gian mới được thành lập trong điều kiện khó khăn thiếu thốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động TDTT còn quá nghèo nàn và lạc hậu, với xuất phát điểm thấp so với nhiều tỉnh thành khác, cơ cấu bộ máy tổ chức thay đổi nhiều lần, nhưng có thể nói trải qua những năm tháng khó khăn vất vả, tập thể lãnh đạo cùng cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên đã sát cánh cùng nhau xây dựng và vun đắp cho phong trào TDTT của tỉnh ngày càng đi lên chuyển mình cùng thể thao nước nhà, mà trước hết thuộc về công sức và sự đóng góp không mệt mỏi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, những người vừa là chủ thể vừa là đối tượng phục vụ của TDTT cùng với sự chăm lo đầu tư của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức kinh tế, chính trị xã hội.
Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, trong những năm qua, toàn ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk có thể tự hào với những kết quả đạt được và có nhiều bài học được rút ra từ thực tiễn. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đời sống văn hoá tinh thần ở khắp các địa phương đã được thổi vào một sức sống mới với nhiều hoạt động Văn hoá, Thể thao được tổ chức với chất lượng ngày càng cao, phục vụ nhân dân trong các dịp lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước.
Sự phối hợp giữa các hoạt động Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tạo nên chuỗi các sự kiện có sức hấp dẫn, sôi nổi và tạo dấu ấn đậm nét, thu hút được sự quan tâm của công chúng trong toàn tỉnh và cả nước như: Đã tổ chức thành công 5 lần lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, 3 lần liên tiếp đăng cai tổ chức giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV – Ferroli Cúp, 1 lần đăng cai tổ chức giải bóng chuyền nữ các câu lạc bộ mạnh Châu Á và đăng cai tổ chức nhiều giải khu vực, toàn quốc, quốc tế. Tổ chức thành công 7 lần Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) cấp tỉnh và rất nhiều các hoạt động TDTT khác đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần trong nhân dân thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại – Khoẻ để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. TDTT quần chúng ngày càng được mở rộng, phát triển đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia. Số người luyện tập TDTT thường xuyên toàn tỉnh đạt 26,51%, số gia đình luyện tập TDTT thường xuyên đạt 16,28% (năm 2015).
Hàng năm bình quân đăng cai tổ chức thành công 10 giải khu vực, toàn quốc và quốc tế, tổ chức từ 25 – 30 giải cấp tỉnh và phối hợp với các Liên đoàn, hội thể thao, các Sở (ban, ngành) trong tỉnh tổ chức trên 50 giải, hội thi thể thao; bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức 7 – 10 giải và hàng trăm giải cấp cơ sở thu hút hàng ngàn lượt VĐV tham gia thi đấu. Qua 9 lần tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II, Đoàn Vận động viên Đăk Lăk đã để lại thành tích đầy ấn tượng, với kết quả 8 lần đứng thứ nhất toàn đoàn, 1 lần xếp thứ ba toàn đoàn.
Thể thao thành tích cao, tuy cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có còn thiếu so với nhu cầu thực tế sử dụng, nhưng lực lượng VĐV được đầu tư bài bản, từ tuyến năng khiếu đến các đội trẻ và đội tuyển với phương châm đi trước đón đầu, năm 2014 đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, giành vị trí thứ nhất khu vực Tây Nguyên, xếp thứ 2/19 tỉnh miền núi, xếp thứ 33/65 tỉnh, thành, ngành tham dự Đại hội với tổng số 21 huy chương (04 HCV, 03 HCB, 14 HCĐ), có 42 VĐV được công nhận đẳng cấp (14 VĐV kiện tướng, 28 VĐV cấp I); Có 25 VĐV được triệu tập vào các đội trẻ và đội tuyển quốc gia; gồm các môn: Boxing, Điền kinh, Bắn cung… gần đây tỉnh Đắk Lắk đã đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam 3 tấm huy chương (02 HCV, 01HCB) tại SEA Games 28 – 2015 ở Singapore.
Công tác xã hội hoá TDTT luôn được chú trọng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động ký liên tịch về hoạt động TDTT cùng các ngành như: Công an, Quân đội, Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng các thiết chế TDTT trị giá hàng tỷ đồng như: Sân quần vợt, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo để phục vụ cho tập luyện và thi đấu TDTT trong tỉnh và tài trợ cho các giải thi đấu cấp tỉnh; cấp huyện, bình quân mỗi năm kinh phí tài trợ đối với cấp tỉnh 250 triệu đồng/năm, cấp huyện, thị xã 50 – 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt công tác xã hội hoá TDTT đã nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp. Cơ chế, chính sách, khuyết khích đầu tư cho xã hội hoá nói chung và xã hội hoá TDTT nói riêng ngày càng được quan tâm. Phải khẳng định rằng xã hội hoá hoạt động TDTT là một chủ trương đúng đắn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Những kết quả trên sẽ là động lực để ngành TDTT Đắk Lắk tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng mọi lợi thế và tiềm năng của tỉnh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, đưa phong trào TDTT tỉnh Đăk Lăk tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
Source : Hoàng Trung Kiên – Trưởng Phòng nghiệp vụ TDTT