TPP là mô hình hội nhập quốc tế mới, bậc cao nhất (cấp 3), với độ mở cửa nhanh, toàn diện hơn các mô hình FTA trước đó, TPP quy định các quốc gia thành viên phải tuân thủ triệt để nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử; bao quát phạm vi rất rộng, rất phức tạp với các vấn đề thương mại và phi thương mại đan xen, mức độ cam kết sâu, bao gồm 22 lĩnh vực, cắt giảm nhanh trên 95% các dòng thuế về 0%, mở rộng cửa cho sự di chuyển tự do hơn các dòng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động; tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa các đối tác và đồng minh trong khu vực quan trọng, với 800 triệu dân, chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại thế giới (trong đó có Mỹ chiếm 57% GDP và gần 40% tổng số dân)… những điểm nhân này sẽ giúp hỗ trợ việc làm, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, phát triển toàn diện và đổi mới trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Du khách quốc tế tại Việt Nam – ảnh tư liệu
Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với khoảng 185 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 13 nước-đối tác chiến lược, 11 nước – đối tác toàn diện; đồng thời đang có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 nước và vùng lãnh thổ; đã ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế. Tham gia TPP (FTA thứ 11 mà Việt Nam là thành viên) sẽ tạo xung lực tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn cả bề rộng và bề sâu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và hàng điện tử, điện thoại…, với hàng chục triệu lao động; các doanh nghiệp thêm cơ hội được đối xử công bằng, cạnh tranh bình đẳng và tự do đầu tư kinh doanh, nhập khẩu công nghệ thích hợp và thêm nhiều cơ hội mới phát triển kinh tế Việt Nam, do đó tạo động lực phát triển ngành Du lịch, cả du lịch quốc tế và trong nước.
Môi trường sống và cơ sở hạ tầng du lịch thiên nhiên sẽ được cải thiện hơn khi TPP (5/12 nước này nằm trong danh sách các nước đa dạng sinh thái hàng đầu thế giới) siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và môi trường sống, chống buôn bán động vật hoang dã, nhất là đối với các loài động vật có nguy cơ như rùa biển, chim biển, cá voi, cá mập….
Việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước sẽ giúp gia tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, việc làm và kết hợp du lịch; tức gia tăng dòng du khách quốc tế và tăng cường mật độ và quy mô các loại hình du lịch-kinh doanh, du lịch-hội họp ngay trong nội khối TPP mà Việt Nam là một thành viên.
Hơn nữa, các thành viên TPP đều đồng ý thông qua và duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của ILO (nhất là quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động (LĐ) trẻ em và cấm các hình thức LĐ trẻ em tồi tệ nhất; và loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp; quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp…), sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, tái sản xuất sức LĐ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có lao động ngành Du lịch. Bên cạnh đó, cạnh tranh trong TPP tạo áp lực buộc người LĐ phải chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, tinh thần liên kết gắn với các nhóm LĐ đặc thù (trong đó có LĐ trong khu vực phi chính thức) và lợi ích xã hội khác nhau trong môi trường quốc tế ngày càng cao. Áp lực cạnh tranh cao có thể làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp do tình trạng giảm bớt nhân công, nhất là LĐ phổ thông để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất LĐ nhờ đổi mới kỹ thuật và quản trị, cũng như do doanh nghiệp kém sức cạnh tranh, buộc phá sản. Xu thế chuyển dịch LĐ giữa các nước thành viên vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho lao động ngành Du lịch tìm kiếm và giữ cơ hội việc làm, nhất là LĐ trẻ. Phát triển thị trường LĐ có tổ chức, chất lượng cao đang và sẽ ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc và công cụ đắc lực để hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và LĐ ngành Du lịch nói riêng trong bối cảnh đó.
Nhờ TPP, hoạt động du lịch cũng sẽ có thêm cơ hội phát triển tích cực hơn từ những cam kết về phát triển thương mại điện tử và các dịch vụ bảo hiểm, thanh toán thẻ điện tử và thúc đẩy sự ổn định tài chính, chống thao túng tiền tệ giữa 12 nước.
Đồng thời, ngành Du lịch sẽ có thêm xung lực phát triển tích cực và các du khách quốc tế sẽ có thêm cơ hội làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết Chương Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh trong khuôn khổ TPP- theo đó, khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền của các thành viên TPP cung cấp thông tin về việc nộp đơn xin nhập cảnh, để đảm bảo rằng phí nộp đơn là hợp lý, đưa ra quyết định đối với đơn xin nhập cảnh và thông tin cho các ứng viên nộp đơn về quyết định là sớm nhất có thể. Các thành viên TPP đồng ý đảm bảo rằng các yêu cầu về nhập cảnh tạm thời là sẵn sàng công khai cho công chúng, bao gồm công bố thông tin kịp thời và trực tuyến nếu có thể và cung cấp tài liệu giải thích; và các bên hợp tác về các vấn đề nhập cảnh tạm thời, chẳng hạn như xử lý thị thực. Đa số các thành viên TPP cũng đã cam kết về mở cửa thị trường khách kinh doanh cho nhau, theo như Phụ lục cụ thể của từng nước đính kèm Hiệp định TPP.
Cần khẳng định rằng, những cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam nói chung, du lịch nói riêng từ TPP không tự hiện thực hóa nếu không có những nỗ lực đồng bộ từ các cấp, ngành và đơn vị có liên quan. Vì vậy, để khai thác tốt các cơ hội từ TPP, ngành Du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nhất là cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP và Chỉ thị số 14/CT-TTg; kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như: giao thông, hàng không, thương mại, ngoại giao; cải thiện năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế; củng cố thương hiệu du lịch quốc gia và đảm bảo môi trường du lịch địa phương; quản lý cạnh tranh lành mạnh và giải quyết triệt để tình trạng đeo bám khách, trộm cắp, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết. Đặc biệt, cần chuẩn bị và triển khai tốt “Năm Du lịch quốc gia 2016-Phú Quốc-Đồng bằng sông Cửu Long”; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch; tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo phổ biến Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN; tham dự hiệu quả các sự kiện tại các hội nghị, diễn đàn song phương, đa phương và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiện đại và chuyên nghiệp hơn tại nước ngoài…
Nguyễn Minh Phong
Source : Báo Du lịch