Ứng dụng lý thuyết và thực hành du lịch có trách nhiệm trong giáo dục và đào tạo du lịch tại Việt Nam

Ngày 28/8/2015, tại Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Nha Trang, Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT) đã tổ chức hội thảo Ứng dụng lý thuyết và thực hành du lịch có trách nhiệm trong giáo dục và đào tạo du lịch tại Việt Nam.

Ông Alejandro Montalban Carrasco – Trưởng ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Dự án EU)

Đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo về du lịch, doanh  nghiệp du lịch cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về công tác giáo dục và đào tạo nghề du lịch dựa trên các tài liệu kỹ thuật do Dự án EU-ESRT xây dựng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Alejandro Montalban Carrasco – Trưởng ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu cho rằng sự phát triển của các khu nghỉ dưỡng hiện đại cùng những thương hiệu khách sạn nổi tiếng hiện nay là một khía cạnh tích cực đối với nền kinh tế, tuy nhiên tiến bộ về cơ sở hạ tầng phải được bổ trợ bằng nguồn nhân lực mạnh và chuyên nghiệp, để ngành Du lịch có thể cung cấp dịch vụ có tính chuyên nghiệp tới du khách, tạo sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Luật Việc làm (có hiệu lực từ 01/01/2015) và Luật Giáo dục Nghề nghiệp (có hiệu lực từ 01/07/2015) là bước chuẩn bị để Việt Nam hội nhập với Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào tháng 1/2016. Với các yêu cầu để đảm bảo hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia phù hợp với Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) của ASEAN, hai luật mới đã mở ra định hướng rõ ràng về đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch.Các đại biểu thảo luận tại hội thảo (Ảnh: Dự án EU)

Trước bối cảnh mới, tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về việc cải thiện và duy trì bền vững giáo dục và đào tạo nghề du lịch tại Việt Nam, việc tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn VTOS và quá trình chuyển đổi có trách nhiệm từ Hội đồng Cấp chứng chỉ Nghiệp vụ Du lịch (VTCB) sang Hội đồng Nghề Du lịch Quốc gia (VTPB).

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo về du lịch và doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc tích hợp VTOS vào chương trình giảng dạy, đào tạo, cách tiếp cận khoa học trong việc lồng ghép du lịch có trách nhiệm vào chương trình giáo dục du lịch.

Đánh giá về kết quả hội thảo, Trưởng nhóm Chuyên gia quốc tế của Dự án EU-ESRT, bà Mary McKeon nhấn mạnh, để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với nguồn nhân lực có kỹ năng, dịch vụ chất lượng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của ngành du lịch, thì trách nhiệm thuộc về tất cả các bên liên quan, cùng phối hợp để đẩy mạnh việc giáo dục, đào tạo nghề du lịch.

Source : Tổng cục Du lịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *